Nói xấu, phỉ báng và bôi nhỏ

Các yếu tố cần thiết

 Phát hành (Publication):

Đây là yếu tố đầu tiên mà nạn nhân cần phải chứng minh trong một vụ kiện phỉ báng.

Vấn đề phỉ báng (defamatory matter) được xem là đã phát hành khi có một người thứ ba nghe hoặc đọc được nội dung của vấn đề phỉ báng đó.

Yếu tố phát hành sẽ không được thiết lập nếu chỉ có nạn nhân là người duy nhất được biết đến hành vi phỉ báng. Ví dụ: Người A không thích người B và đã viết thư mạ lỵ người B. Người A chỉ gởi thư hoặc email đến người B mà không ‘Cc’ đến bất cứ ai. Trong trường hợp này, người B sẽ không chứng minh được yếu tố phát hành.

Tuy nhiên, người B vẫn có thể báo với cảnh sát nếu nội dung lá thư đó có những lời đe dọa làm cho người B lo sợ đến sự an toàn của bản thân hoặc gia đình mình.

Người B vẫn có thể trực tiếp xin án lệnh Tòa vĩnh viễn cấm người A không được liên hệ trực tiếp với người B (Intervention Order).

Nêu Đích Danh (Identification):

Đây là yếu tố thứ 2 mà nạn nhân cần phải chứng minh. Để có thể thành công trong vụ kiện, người bị phỉ báng phải chứng minh rằng cá nhân họ đã bị nêu đích danh hoặc bị ám chỉ một cách khá rõ ràng mà một người bình thường có thể nhận ra nạn nhân bị phỉ báng đó là ai.

Nội Dung Phỉ Báng (Defamatory matter):

Phỉ báng là hành động nhục mạ người khác, là sự bôi nhọ hoặc tấn công danh dự của một cá nhân hoặc một nhóm người bằng những lời mạ ly, vu khống vô căn cứ. Trong vụ án Parmiter v Coupland [1840] 6 M & W 105, Tòa Án phán quyết rằng, một người vi phạm tội phỉ báng khi người đó cố tình gây tổn thương danh dự của một người khác và làm cho người đó bị thiên hạ chê bai (A publication which is calculated to injure the reputation of another and intends to hold him up to ridicule).

Hành vi phỉ báng có thể thực hiện bằng lời nói hay bài viết phổ biến trên TV, radio, báo chí, website, email, facebook, twitter và các phương tiện truyền thông khác.

Khi cân nhắc nội dung của một ‘vấn đề phỉ báng’, Tòa Án thường áp dụng những phương cách sau đây:

Một người bình thường  khi nghe hoặc đọc sẽ hiểu gì về nội dung của ‘vấn đề phỉ báng’ đó (natural and ordinary meaning);

Khi ‘vấn đề phỉ báng’ có nội dung mập mờ, liệu một số người khác khi nghe hoặc đọc có thể hiểu được tính chất phỉ báng của vấn đề không (true innuendo);

Ý định hoặc sự sai sót trong cách nói hoặc viết của bị cáo không quan trọng và không ảnh hưởng đến cách diễn dịch nội dụng. Ví dụ, người A, sau khi cho đăng một bài viết có nội dung phỉ báng đến người B, lên tiếng thanh minh rằng: ý của người A không phải vậy. Lời giải thích đó sẽ không có giá trị luật pháp

 

  • Việc Chuyển Tiếp (Forward) Một Email Hoặc Chia Xẻ (Share) Thông Tin Có Nội Dung Phỉ Báng Trên Facebook.

Tuy không phải là tác giả, nhưng nếu người A chuyển tiếp một bài viết có nội dung phỉ báng qua email hoặc ‘share’ trên facebook, người A vẫn có thể bị kiện bởi nạn nhân của sự phỉ báng đó.

 

  • Ai Sẽ Là Bị Cáo (Defendant) – Tác Giả Hay Tòa Soạn?  

Khi tác giả gởi một bài viết mang nội dung phỉ báng (về một người khác) đến một tòa soạn, hành động này được xem là đã hội đủ yếu tố ‘phát hành’ cho dù tòa soạn quyết định không cho đăng bài viết đó.

Trong trường hợp bài viết đó được đăng tải (cho dù qua hình thức cậy đăng hay miễn phí), thì cả tác giả lẫn tờ báo đều có thể bị kiện về tội phỉ báng. Điều này đã được tòa án giải thích rõ trong vụ kiện Webb v Bloch [1928] HCA 50 và đã trở thành một án lệ rất quan trọng. Ví dụ: người A viết bài mạ lỵ người B, tờ báo C sợ bị kiện nên yêu cầu người A cam kết chịu trách nhiệm về nội dung bài viết. Trong trường hợp này, sự cam kết nêu trên chỉ có giá trị luật pháp giới hạn giữa người A và tờ báo C mà không ảnh hưởng gì đến quyền pháp định của người B (là nạn nhân của sự phỉ báng). Điều này có nghĩa là người B vẫn có quyền kiện cả người A và tờ báo C để xin bồi thường thiệt hại.